TVET Vietnam

“Các xu hướng và vấn đề chiến lược trong GDNN” – hướng tới quá trình xây dựng chiến lược phát triển GDNN 2020-2030

Tám năm kể từ ngày Chiến lược phát triển dạy nghề Việt Nam 2011-2020 được áp dụng trong thực tế, đã có những thành tựu đáng kể được tạo dựng, đưa GDNN phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu người học. Hướng tới Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2020-2030, những phát triển mới về công nghệ và kinh tế xã hội đặt ra yêu cầu về tầm nhìn và các biện pháp thực hiện cụ thể để đảm bảo vai trò then chốt của GDNN trong quá trình xây dựng kỹ năng cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Tại buổi hội thảo ngày 30/5 vừa qua về “Các xu hướng và vấn đề chiến lược của GDNN” do Viện Khoa học GDNN Việt Nam (NIVT) tổ chức với sự hỗ trợ của chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), các đại biểu đã nêu bật yêu cầu xây dựng hệ thống GDNN mà ở đó khối doanh nghiệp là một chủ thể gắn bó hữu cơ, thường trực trong quá trình đào tạo. Để tạo dựng được mối quan hệ này, yêu cầu phải có những cơ chế cụ thể như sự hình thành Hội đồng tư vấn ngành & Hội đồng kỹ năng, hiện thực hóa mô hình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp, và có sự thừa nhận chính thức vị trí cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.

Xét từ quan điểm người học, hệ thống GDNN cần có tính liên thông tốt hơn giữa các bậc học, ngành học và các cơ sở đào tạo để người học có được sự chủ động linh hoạt hơn, cũng như hiệu quả kinh tế cao hơn khi tham gia GDNN. Các đại biểu là cán bộ, giáo viên của các cơ sở GDNN cũng đề cập tới yêu cầu phát triển hệ thống GDNN theo hướng hòa nhập, đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, và các yêu cầu về đa dạng giới.

Các đại biểu cũng đưa ra khuyến nghị về xanh hóa GDNN trong chiến lược GDNN 2020-2030, nhằm đảm bảo cho hệ thống GDNN có được vai trò tích cực hơn trong việc gìn giữ môi trường cho các thế hệ tương lai. Các khuyến nghị về xanh hóa GDNN được đưa ra như là một yêu cầu quan trọng của GDNN trong thập niên tới, trong bối cảnh mà chủ đề này mới chỉ được đề cập rất hạn chế trong các văn bản pháp quy hiện tại về GDNN.

Đặc biệt, hội thảo nêu rõ yêu cầu xây dựng một hệ thống kiểm tra đánh giá hiệu quả, nhằm đảm bảo tính giải trình của GDNN đối với người học và xã hội, và nhằm thu thập đầy đủ dữ liệu để có thể xây dựng các chính sách dựa trên bằng chứng, trong bối cảnh chi ngân sách nhà nước cho GDNN tiếp tục được giữ vững, và các cơ sở GDNN vẫn đang thí điểm cơ chế tự chủ trong hoạt động.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook