TVET Vietnam

Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam hỗ trợ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam”

Hợp tác với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình hợp tác Việt Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã tổ chức hội thảo “Đổi mới công tác Đào tạo nhân lực cho khu chế xuất và khu công nghiệp ở Việt Nam” tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 26.5.2016.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ. Hội thảo do đoàn chủ tịch chủ trì gồm TS. Nguyễn Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GDĐT cùng với TS. Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam.

Tham gia và đóng góp cho hội thảo, còn có nhiều chuyên gia cấp cao, các nhà nghiên cứu, chuyên môn từ các cơ quan, tổ chức quản lý khác nhau thuộc chính phủ, các đơn vị, Vụ của các Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT, ban quản lý các khu công nghiệp phía Nam, cũng như các cơ sở đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong bài phát biểu đề dẫn, TS, Nguyễn Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo và yêu cầu các đai biểu trao đổi tập trung vào 4 nhóm vấn đề nhằm đóng góp trực tiếp cho công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu các khu công nghiệp và khu chế xuất, đó là: đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, đề xuất đổi mới cơ chế chính sách giáo dục nghề nghiệp, nêu ra những thay đổi tích cực sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, và vai trò các tổ chức chính trị, kinh tế-xã hội từ cấp trung ương đến địa phương.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đến với hội thảo, TS. Horst Sommer đã trình bày các yếu tố thành công của hệ thống đào tạo nghề Đức và những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng đối với Việt Nam. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện hình ảnh đào tạo nghề, cũng như tính khả thi của việc áp dụng mô hình đào tạo hợp tác trong đào tạo nghề, trong đó sự tham gia của doanh nghiệp là cần thiết trong toàn bộ quá trình đào tạo, bắt đầu từ bước xây dựng tiêu chuẩn nghề, thực hiện các công đoạn đào tạo đã được lập kế hoạch rõ ràng, cho đến bước đánh giá và cấp chứng chỉ. Tại hội thảo, những bài học kinh nghiệm ban đầu về thí điểm mô hình đào tạo hợp tác này, cho nghề “Kỹ thuật viên xử lý nước thải” với hỗ trợ của tổ chức GIZ đã được lãnh đạo trường CĐN Kỹ thuật – Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong đó nhà trường tổ chức đào tạo trên cơ sở hợp tác với 5 doanh nghiệp. Các bài học này sẽ được Viện Nghiên cứu, Khoa học Dạy nghề phân tích và đúc kết thành khuyến nghị cho hệ thống Dạy nghề Việt Nam.

Tiếp theo, trong bài phát biểu kết luận, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh việc cần có các cơ chế chính sách rõ ràng về việc hợp tác với doanh nghiệp, với nền kinh tế cũng như sự cần thiết nâng cao hình ảnh Đào tạo nghề.

Trên cơ sở hợp tác ban đầu thành công giữa Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương trong những năm gần đây, bao gồm cuộc trao đổi sâu giữa TS. Horst Sommer, Giám đốc Chương trình và ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên TƯ Đảng, tại cuộc hội đàm giữa Đảng dân chủ Xã hội Đức và Đảng CS Việt Nam, việc đồng tổ chức 2 hội thảo với Ban Tuyên giáo TƯ, Ủy ban Quốc hội về Văn hóa, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng về chủ đề “Phân luồng đào tạo nghề”, TS. Nguyễn Thế Đức đã bày tỏ mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhằm cùng đóng góp vào việc cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. /.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook