TVET Vietnam

Xây dựng môi trường hòa nhập để khuyết tật không còn là rào cản trong tiếp cận giáo dục đào tạo

Nhằm giúp các trường cao đẳng nghề nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong các hoạt động đào tạo nghề, ngày 18 và 19/7/2023 tại thành phố Huế, Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược hòa nhập cho cơ sở Giáo dục nghề nghiệp”. Tham gia Hội thảo là các cán bộ phụ trách chủ đề hòa nhập từ các cơ sở GDNN đối tác của Chương trình TVET.

Trong 2 ngày hội thảo, các đại biểu tìm hiểu về những mô hình tiếp cận vấn đề khuyết tật, từ mô hình từ thiện, mô hình y tế, mô hình xã hội đến mô hình dựa trên quyền, từ đó hiểu được sự cần thiết của một chiến lược hòa nhập mà ở đó, người khuyết tật được nhìn nhận với những tiềm năng và sự đóng góp của họ cho xã hội thay vì những khiếm khuyết. Các đại biểu cũng đã tới thăm trường Cao đẳng Công nghiệp Huế để có hình dung cụ thể về khả năng tiếp cận vật lý cũng như vô hình trong một môi trường đào tạo. Những rào cản đó có thể đến từ nhận thức, thái độ, thể chế chính sách, cơ sở vật chất hay truyền thông. Với các công cụ đánh giá được hướng dẫn, các nhóm có thể kiểm tra khả năng tiếp cận của cơ sở mình và lên kế hoạch chiến lược hòa nhập để khắc phục những hạn chế về tiếp cận còn tồn tại. Sau khi hội thảo kết thúc, các trường sẽ được tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện kế hoạch hòa nhập của cơ sở mình. Cùng với những hỗ trợ của chương trình TVET tại trường như trao học bổng người khuyết tật, truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn về hòa nhập cho giảng viên, chiến lược hòa nhập sẽ cung cấp cho các trường định hướng cụ thể để từng bước gỡ bỏ những rào cản, tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia bình đẳng trong GDNN.  

Hoạt động thuộc khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

Share on print
Share on email
Share on facebook