TVET Vietnam

Tập huấn khai thác thiết bị phòng e-learning và quy trình sản xuất học liệu số

Ngày 27 – 30/06/2022, Chương trình Hợp tác Việt-Đức ‘Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam’ (Chương trình TVET) đã tổ chức thành công khóa tập huấn về “Khai thác thiết bị phòng e-learning và quy trình sản xuất học liệu số” tại trường CĐ Kỹ Nghệ II, TP. Hồ Chí Minh. Tham dự khóa tập huấn có 35 học viên, bao gồm cán bộ đầu mối chuyển đổi số đại diện cho 11 Trường CĐ đối tác của Chương trình.

Từ năm 2020, trong khuôn khổ các hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp, Chương trình TVET   hỗ trợ 11 trường đối tác thiết bị và phần mềm để thiết lập phòng e-learning. Nhằm giúp các trường tối ưu hóa nguồn lực này, đồng thời phát triển năng lực số cho đội ngũ giáo viên nòng cốt , hội thảo tập huấn về vận hành và khai thác hiệu quả thiết bị phòng e-learning và quy trình sản xuất học liệu số được triển khai. Hội thảo được tổ chức với phương pháp đào tạo thực hành, tập trung vào bài học thực tiễn, với toàn bộ kiến thức triển khai trên nền tảng học và thi trực tuyến (LMS).

“Tuy là cán bộ lãnh đạo chưa từng trực tiếp phụ trách kỹ thuật, sau tập huấn, tôi tự tin mình có thể quay, lồng tiếng, tạo nên một video học liệu số dù chưa hoàn hảo. Cùng với đội ngũ nhà trường, chúng tôi sẽ sử dụng hiệu quả nhất hệ thống thiết bị, chương trình mà GIZ đã hỗ trợ”, TS. Lê Văn Luận – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Huế chia sẻ.

Khóa tập huấn bốn ngày trang bị cho các học viên kiến thức cần thiết để làm chủ cách thức sản xuất học liệu số trong giáo dục nghề nghiệp – từ quy trình, phương pháp tư duy đến kỹ năng thực tiễn như sử dụng thiết bị, phần mềm và diễn trong trường quay. Trong thời gian ngắn của khóa tập huấn, các thày cô phối hợp nhanh chóng để xây dựng kịch bản, sản xuất học liệu SCORM/AICC/xAPI, soạn PPT bằng phần mềm Camtasia. Bên cạnh đó, các học viên sử dụng máy ảnh, máy quay, làm việc trên các thiết bị của phòng studio và xử lý hậu kỳ bằng các phần mềm như Adobe Premiere, Adobe Audition.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các học viên, mục tiêu của GIZ là xây dựng một cộng đồng những cán bộ và giảng viên nòng cốt về Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giảng viên của khóa tập huấn nhận định, các học viên tham gia khóa học đều có thể nắm bắt cơ bản cách sử dụng các thiết bị số và quy trình sản xuất học liệu số, trong đó có nhiều cán bộ có năng lực và trình độ kỹ thuật chuyên sâu. “Đây là tài nguyên quan trọng nhất cần khai thác để tiếp tục kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng 11 trường đối tác cho các hoạt động xây dựng học liệu số sắp tới”, PGS khẳng định.

TS. Bùi Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ Nghệ II – đơn vị hỗ trợ đăng cai tổ chức, nhấn mạnh: Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp hiện nay, giảng viên nào biết công nghệ mới, có kỹ năng, hiểu xu thế sẽ nắm bắt công nghệ trong học tập của tương lai. Đặc biệt trong bối cảnh chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Tiến sĩ cho rằng, các kiến thức liên quan đến sản xuất học liệu số, đến ngành nghề số trong buổi tập huấn là nền tảng để các thầy cô tiếp tục vươn lên, hỗ trợ cho các trường để bước vào một giai đoạn mới của GDNN.

Share on print
Share on email
Share on facebook