TVET Vietnam

Tổ chức hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong GDNN

Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Nhờ có vai trò này, GDNN cũng có khả năng góp phần đáng kể trong việc đẩy nhanh tiến trình bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, thông qua việc cải thiện cơ hội tiếp cận của nữ giới và các nhóm yếu thế khác đối với giáo dục và đào tạo, thúc đẩy sự tham gia của họ vào thị trường lao động việc làm, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng những nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, cho tới nay, ngành GDNN tại Việt Nam vẫn chưa thực sự khai thác hết khả năng tiềm tàng này, đặc biệt trong các ngành nghề về khoa học, kỹ thuật, những lĩnh vực nam giới thường chiếm ưu thế. Mặc dù trong những năm gần đây, số học viên nữ theo học tại các cơ sở GDNN có tăng lên, tuy nhiên, tỷ lệ học viên nữ vẫn có sự chênh lệch khá lớn so với học viên nam. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tỷ lệ học viên nữ chỉ chiếm 31,6% trong tổng số học viên nhập học, và chiếm 29,7% trong tổng số học viên tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN trong năm 2020.

Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục và cơ hội việc làm, thông qua việc xóa bỏ các rào cản hữu hình và vô hình đang cản trở sự tham gia và hưởng lợi từ hệ thống GDNN tại Việt Nam. Năm 2021, chương trình đã hỗ trợ thực hiện một nghiên cứu với chủ đề “Bình đẳng giới trong GDNN”, với mục tiêu tìm hiểu những vấn đề giới trong GDNN, ví dụ như tỷ lệ học viên nam và nữ tham gia trong các chương trình GDNN, tỷ lệ giáo viên nam và nữ tại các cơ sở GDNN, tỷ lệ việc làm theo giới, khoảng cách tiền lương theo giới, tỷ lệ thất nghiệp theo giới, khoảng trống dữ liệu về Bình đẳng giới trong GDNN,…Nghiên cứu cũng đưa ra những đề xuất liên quan đến tăng cường lồng ghép giới trong việc hoạch định, thực thi và giám sát chính sách GDNN, cũng như cải thiện công tác tuyển sinh và giữ chân học viên nữ tại các cơ sở GDNN.

Nhằm hưởng ứng tháng “Hành động vì Bình đẳng giới” do Bộ LĐTBXH và cơ quan Liên hiệp quốc khởi xướng, GIZ và Tổng cục GDNN đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong GDNN” trong vòng 2 ngày 21 – 22/10/2022 tại Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam. Hội thảo hướng tới những mục tiêu như sau:

  • Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào GDNN
  • Dựa trên nghiên cứu “Bình đẳng giới trong GDNN” năm 2021, xác định các biện pháp để tăng cường lồng ghép giới trong quá trình hoạch định, thực thi, và giám sát chính sách
  • Xác định các biện pháp để cải thiện công tác tuyển sinh và giữ chân học viên nữ trong GDNN
  • Xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo về tăng cường bình đẳng giới trong GDNN

Hội thảo đã có sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ Ban lãnh đạo và các vụ thuộc Tổng cục GDNN, các lãnh đạo, giáo viên, và học viên của các cơ sở GDNN, GIZ, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực GDNN, và các chuyên gia về Giới và GDNN.

Sau khi lắng nghe các bài trình bày của chuyên gia về kết quả nghiên cứu “Bình đẳng giới trong GDNN” và các đề xuất của nhóm chuyên gia trong việc lồng ghép giới vào chính sách GDNN và cải thiện công tác tuyển sinh và giữ chân học viên nữ, các đại biểu hội thảo đã thảo luận sôi nổi về các đề xuất, phân tích mức độ phù hợp và khả thi của từng đề xuất, tìm hiểu các thách thức và cơ hội trong việc hiện thực hóa các đề xuất, xác định các bên chủ trì và phối hợp, …

Trong khuôn khổ hội thảo, một buổi tọa đàm cũng được thực hiện với sự tham gia của các diễn giả đến từ Tổng cục GDNN, GIZ, giáo viên và học viên của một số trường nghề, và đại diện tổ chức phi chính phủ Passerelles Numeriques Vietnam (PNV). Các diễn giả đã chia sẻ những quan sát và nhận định của mình về thực trạng bất bình đẳng giới trong tuyển sinh và giữ chân học viên nữ. Các diễn giả đều thống nhất rằng, bất bình đẳng giới trong GDNN có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và tham gia của nữ giới trong rất nhiều ngành nghề. Trong khi đó, tỷ lệ nữ giới thấp trong các ngành nghề này, đến lượt nó, lại có ảnh hưởng đến tư duy và lựa chọn của nữ giới đối với GDNN. Các diễn giả cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách nam nữ trong tuyển sinh và giữ chân học viên, ví dụ như các khuôn mẫu giới, mọng đợi của xã hội đối với nam giới và nữ giới, môi trường học do nam giới chiếm ưu thế, hay áp lực tài chính,…Các diễn giả cũng trao đổi những giải pháp đang được áp dụng và bài học học kinh nghiệm từ chính tổ chức mình, từ đó đưa ra những đề xuất cải thiện trong tương lai.

Trước khi kết thúc ngày 1 của hội thảo, các đại biểu đã cùng ngồi lại để xây dựng kế hoạch hành động sơ bộ bao gồm những hoạt động cần được triển khai nhằm nâng cao bình đẳng giới trong GDNN nói chung, và cải thiện công tác tuyển sinh và giữ chân học viên nữ nói riêng. Chương trình GDNN dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận các kế hoạch hành động này cùng với Tổng cục GDNN và các cơ sở GDNN để làm rõ và lên kế hoạch triển khai các hành động cụ thể.

Trong ngày thứ 2 của hội thảo, các đại biểu đã tới thăm Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, lắng nghe nhà trường chia sẻ về các chế độ thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với nữ nhà giáo, nữ cán bộ quản lý hiện đang được áp dụng tại trường, công tác bồi dưỡng đội ngũ nữ cán bộ, nữ nhà giáo nhằm đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, các phong trào động viên chia sẻ đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo vượt qua khó khăn; các phong trào nữ công khác, và các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong GDNN nói chung.

Sau 2 ngày làm việc, hội thảo đã tạo cơ sở cho những hành động tiếp theo trong việc nâng cao nhận thức về thực trạng các vấn đề giới trong GDNN, cũng như xác định và triển khai các giải pháp về nâng cao bình đẳng giới trong GDNN. Những hành động này sẽ giúp chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” thử nghiệm và củng cố phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng trong lồng ghép bình đẳng giới trong GDNN, từ đó đóng góp vào tiến trình thúc đẩy quyền bình đẳng trong tiếp cận và hưởng lợi từ các cơ hội trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam.

Share on print
Share on email
Share on facebook