TVET Vietnam

Khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên về lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” cho Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (25/10- 05/11/2021)

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng Việt Nam – EU (EVEF), đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, cùng với sự giúp đỡ của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (TVET) trong suốt 15 tháng qua, trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (NTVC) đã và đang thụ hưởng trực tiếp từ chương trình “Triển khai đào tạo cho các cán bộ lắp đặt và kỹ thuật viên hệ thống Điện mặt trời mái nhà và nâng cao năng lực cho các trường đại học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”. Hiện tại, dự án đã đạt được cột mốc rất quan trọng thông qua việc tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên về lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” cho 17 giảng viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp của nhà trường.

Khóa đào tạo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến bởi các chuyên gia từ Viện Năng lượng tái tạo CHLB Đức (RENAC) và công ty tư vấn (Sytegra Solar) từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 05 tháng 11 được xem như một kết quả thành công trong công tác bồi dưỡng năng lực cho giảng viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của nhà trường.

Trong suốt 10 buổi học trực tuyến, các học viên đã tìm hiểu về các thiết bị của hệ thống Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), những khía cạnh khác nhau trong việc lắp đặt hệ thống và kỹ năng sư phạm như việc chuẩn bị thiết bị và tài liệu dạy học, tổ chức và thực hiện bài giảng. Hai buổi học đầu tiên tập trung vào phần lý luận và phương pháp giảng dạy. Với sự hướng dẫn của giảng viên và những kiến thức đã học được, học viên được chia thành 8 nhóm để chuẩn bị bài tập, trình bày bài giảng và nhận phản hồi từ giảng viên. Thông qua nhiệm vụ này, các học viên được học cách thiết kế và tổ chức một buổi học lý thuyết/thực hành tiêu chuẩn về chủ đề lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Bên cạnh đó, nhằm giúp người học nắm vững các yêu cầu kỹ thuật để triển khai khóa học này, giảng viên cũng giới thiệu nhiều mô hình trung tâm đào tạo định hướng thực hành ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Những buổi còn lại đi sâu vào các chủ đề kỹ thuật Điện mặt trời theo bối cảnh ở Việt Nam bao gồm các thành phần của hệ thống Điện mặt trời nối lưới, hệ thống cáp và dây AC/DC, thiết kế và định cỡ kích thước hệ thống PV trên mái bằng, kết hợp với công tác nghiệm thu, kiểm tra và chạy thử hệ thống. Khóa tập huấn kết thúc với buổi lễ trao chứng chỉ.

Trước khóa tập huấn về “Đào tạo giảng viên”, các học viên cũng đã hoàn thành hai khóa học online trên nền tảng Moodle vào đầu năm nay là khóa “Ứng dụng của Điện mặt trời” (20 giờ) và “Các hệ thống quang điện nối lưới quy mô nhỏ” (40 giờ) với mục tiêu cung cấp nền tảng cơ bản về hệ thống Điện mặt trời. Tất cả các khóa học này đều được thiết kế dựa trên kết quả đánh giá nhu cầu đào tạo của các giảng viên nguồn đã triển khai vào đầu năm 2021.

Thầy Huỳnh Tấn Phát, giáo viên khoa Điện- Điện tử trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận chia sẻ “Khóa tập huấn giúp tôi củng cố đầy đủ năng lực giảng dạy và kiến thức về hệ thống Điện mặt trời, thúc đẩy sự tự tin trong việc giảng dạy mô đun đào tạo này cho sinh viên”. Trong bài phát biểu khai mạc, ông Sven Ernedal, Giám đốc dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP)- GIZ nhấn mạnh: “Hôm nay là ngày quan trọng vì chúng ta đã đạt được một cột mốc đáng nhớ trong dự án thúc đẩy ĐMTMN ở Việt Nam bằng việc hiện thực hóa khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên về lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại Việt Nam” trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Tôi muốn thể hiện sự cám ơn với tất cả các thành viên và đối tác của dự án vì sự đóng góp không mệt mỏi và sự chủ động, linh hoạt trong suốt đại dịch, đặc biệt là sự chuẩn bị chu đáo của Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận với cam kết trở thành Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp về lĩnh vực ĐMTMN”.

Sau khóa đào tạo này, GIZ sẽ tổ chức khóa học trực tiếp “Đào tạo giảng viên” tại trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, dự kiến vào nửa đầu năm 2022 để các thầy cô có những trải nghiệm thực hành thực tế và hoàn thiện kỹ năng giảng dạy của mình. Trong khi đó, mô đun đào tạo bổ sung về hệ thống ĐMTMN đang được hợp thức hóa là khóa đào tạo sơ cấp đáp ứng các yêu cầu giáo dục nghề nghiệp quốc gia và sẽ được thí điểm tại trường Cao đẳng Ninh Thuận vào đầu năm sau.

OTHER NEWS

EVENT