TVET Vietnam

Khóa đào tạo “Công nghệ hàn nâng cao” cho giảng viên tại trường VCMI

Khóa đào tạo “Công nghệ hàn nâng cao” đã được tổ chức thành công từ ngày 02 tháng 11 đến ngày 04 tháng 11 năm 2023 tại Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI). Mục tiêu của khóa đào tạo này là nâng cao năng lực và trang bị kiến thức về các công nghệ hàn tiên tiến đang được ứng dụng cho 05 giảng viên của VCMI – những người trực tiếp đào tạo nghề định hướng tiêu chuẩn Đức “Công nghệ Cơ khí, Sưởi ấm và Điều hòa không khí” tại trường. Giảng viên của khóa đào tạo là thầy Nguyễn Văn Vững, Phó trưởng khoa Khoa Cơ khí, trước đây đã tham gia nhiều khóa tập huấn được thực hiện bởi tổ chức GIZ, từ đó phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo cho các giảng viên khác tại trường VCMI.  

Trong khóa đào tạo này, các giảng viên đã được cung cấp kiến thức về các quy tắc an toàn khi vận hành và sử dụng các thiết bị hàn, đặc biệt thiết bị hàn khí cháy Oxy – Acetylen. Các giảng viên có cơ hội được sử dụng các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng để thực hành hàn các liên kết hàn trên các liên kết cấu khác nhau giữa thép tấm với thép tấm, thép ống với thép tấm và hàn ống thép với nhau trong: Hàn Oxy – acetylene; Hàn MIG/MAG; Hàn TIG.

Trong quá trình thực hành, các giảng viên cùng trao đổi củng cố, nâng cao các kỹ năng thao tác để đạt được chất lượng mối hàn theo quy chuẩn quốc tế.

Ngoài các kỹ năng hàn trên các thiết bị hàn khác nhau, các giảng viên còn được cập nhật các kỹ năng vận hành, điều chỉnh các thông số hàn trên máy hàn tiên tiến một cách trực quan, thực tế góp phần nâng cao quá trình hướng dẫn thực hành cho các học viên sau này.

“Khóa học là cơ hội rất tốt và hữu ích để ôn lại và củng cố kiến thức đã có cũng như cập nhật kiến thức công nghệ mới, áp dụng trong công tác giảng dạy sau này.” – Cô Đinh Thị Cúc, giảng viên ngành “Công nghệ Cơ khí, Sưởi ấm và Điều hòa không khí”, phản hồi về khóa học.

Khóa đào tạo này được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

Share on print
Share on email
Share on facebook