TVET Vietnam

Hội thảo “Gặp gỡ và trao đổi về Chuyển đổi số”cho giảng viên và cán bộ Trường VCMI

Nhằm hình thành và thúc đẩy văn hóa số, môi trường số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sáng ngày 31 tháng 07 năm 2023, Hội thảo “Gặp gỡ và trao đổi về Chuyển đổi số” đã diễn ra thành công với sự tham gia nhiệt tình của toàn bộ giảng viên, cán bộ đến từ Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy Lợi (VCMI) và Đại sứ số của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT) – Moritz Grassl.

Buổi hội thảo đã tạo ra một diễn đàn tương tác cho ban lãnh đạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ chia sẻ, trình bày, và cập nhật các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) đã và đang diễn ra trong nhà trường, cũng như kế hoạch trong thời gian sắp tới. Các nội dung trình bày trọng tâm bao gồm:

  1. Kế hoạch triển khai Nền tảng Quản trị số (chức năng Quản lý đào tạo Smart TMS) tại VCMI,
  2. Khóa tự học về “Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”,
  3. Thí điểm Mô-đun Năng lực số tại Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT).

Về kế hoạch triển khai Nền tảng Quản trị số, Thầy Phạm Ngọc Tuyển – Trưởng Phòng Đào tạo – chia sẻ vào đầu tháng 07 năm 2023, khóa tập huấn trực tiếp về công tác vận hành tính năng Quản lý đào tạo (Smart TMS) cho hơn 40 cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên nòng cốt của Nhà trường được tổ chức. Sau 05 ngày tập huấn, phía công ty cung ứng giải pháp cũng đã làm việc với tổ chuyên trách CĐS của Trường VCMI để thống nhất các yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà trường. Hai bên thống nhất sẽ thực hiện các bước tiếp theo như đào tạo bổ sung cho giảng viên, chạy thử nghiệm nền tảng tại một Phòng/Khoa chức năng, v.v…

Đối với Khóa tự học về “Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”, Thầy Tuyển cũng cho biết đây là khóa học do Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – GIZ xây dựng, bao gồm 08 bài học với tổng thời lượng là 186 phút. Thông qua khóa học, người học sẽ được trang bị kiến thức căn bản về CĐS trong GDNN, phương pháp và mô hình tiếp cận, các nguyên tắc, nguyên lý thúc đẩy CĐS trong hệ thống GDNN nói chung và trong các cơ sở GDNN nói riêng, bao gồm vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia vào tiến trình CĐS.

Từ những hiểu biết căn bản này sẽ làm cơ sở để người học tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, làm và tham gia chuyển đổi số hiệu quả. Sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ được cấp Chứng nhận hoàn thành cuối khóa.

Ở nội dung Thí điểm mô-đun Năng lực số tại Khoa CNTT, Thầy Phạm Thế Phong – Trưởng Khoa Công nghệ thông tin – cho biết: “Theo quy định, sau hơn 03 năm triển khai, môn Tin học phải được cập nhật nội dung. Vì vậy, cần thiết phải cập nhật nội dung của môn Tin học theo hướng điều chỉnh và bổ sung những nội dung, kiến thức về số cho sinh viên.” Dự kiến, nội dung thí điểm triển khai mô-đun Năng lực số tại Khoa CNTT bao gồm 05 chương, với tổng thời gian giảng dạy, thực hành, và kiểm tra là 75 giờ.

Share on print
Share on email
Share on facebook