TVET Vietnam

“Hoạt động khảo sát này mang lại cái nhìn rõ hơn về mức độ sẵn sàng của các trường cao đẳng đối tác trong việc thực hiện nhân rộng các Chương trình đào tạo.” 

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam II” – GIZ và 11 trường cao đẳng đối tác, hoạt động “Khảo sát và chuẩn bị thực hiện đào tạo 2 nghề Công nghệ Cơ khí, Sưởi ấm và Điều hòa không khí (SHK) và nghề Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà (EEB) tại trường Cao đẳng Long An, trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh và trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang đã được diễn ra từ ngày 03.01.2024 đến 12.01.2024. Hoạt động khảo sát được thực hiện bởi năm giảng viên nhân rộng đến từ Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) với mục tiêu đánh giá mức độ sẵn sàng của 3 trường đối tác trong việc  triển khai thực hiện chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức cho 2 nghề Xanh này.  

Trong suốt 10 ngày khảo sát thực tế, các giảng viên nhân rộng đã tập trung vào việc khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ giáo viên tại ba trường cao đẳng đối tác kể trên. Các giảng viên nhân rộng đã chỉ ra những điểm cần thiết để hoàn thiện và đầu tư, bao gồm các nhà xưởng và phòng thực hành còn thiếu, máy móc thiết bị đào tạo cần bổ sung thêm theo yêu cầu đào tạo tại mỗi trường. Ngoài ra, các giảng viên nhân rộng cũng tiến hành đánh giá chi tiết về năng lực của giáo viên, xác định những chủ đề chuyên môn cần được đào tạo nâng cao năng lực theo yêu cầu để triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề Xanh mới. Dựa trên kết quả khảo sát có được, các giảng viên nhân rộng đã thảo luận với từng trường đối tác về mức độ sẵn sàng và những thách thức tiềm ẩn trong việc triển khai 2 chương trình đào tạo mới này theo định hướng tiêu chuẩn Đức. 

Các giảng viên nhân rộng cũng tư vấn cho đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo của ba trường cao đẳng đối tác được khảo sát lần này về các chủ đề quan trọng như công tác chuẩn bị cho kỳ thi giữa khóa và cuối khóa (AP1 và AP2), tuyển sinh, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, cũng như cơ hội việc làm cho người học. Qua lần hợp tác này, đội ngũ giáo viên nòng cốt đến từ các trường đối tác đã có cái nhìn rõ hơn về những khía cạnh phức tạp của việc đào tạo các nghề Xanh. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch chuẩn bị và triển khai đào tạo các nghề SHK và EEB tại các đơn vị.  

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết, thầy Văn Đình Thanh – Hiệu phó trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang khẳng định: “Hoạt động khảo sát này mang lại cái nhìn rõ hơn về mức độ sẵn sàng của các trường cao đẳng đối tác trong việc thực hiện nhân rộng các Chương trình đào tạo. Các giảng viên nhân rộng đã giúp chúng tôi thấy được những thiếu sót cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực khi triển khai thực hiện chương trình đào tạo. Qua đợt khảo sát lần này, ba trường cao đẳng đối tác sẽ có những định hướng rõ ràng hơn trong thời gian tới để triển khai đào tạo thành công các nghề Xanh này.” 

Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện.  Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn. 

Share on print
Share on email
Share on facebook