TVET Vietnam

Giới thiệu về giải pháp thí điểm Nền tảng Quản lý học liệu số (OER)

Nền tảng tài nguyên giáo dục mở (OER) phát triển khá phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tiềm năng lớn cho giáo dục. Cho đến nay chưa có một đơn vị, tổ chức nào chính thức triển khai thành công mô hình này tại Việt Nam.

“Định hướng mở, dữ liệu là tài nguyên mới, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển sản phẩm công nghệ số Make In Việt Nam” là bốn trong sáu quan điểm của Chính phủ về CĐS (QĐ 942/QĐ-TTg). Đặc trưng của chuyển đổi số là tạo dữ liệu và kết nối dữ liệu. Mục tiêu của dự án xây dựng nền tảng OER này không nằm ngoài tinh thần đó.

Trong Đề án Chuyển đổi số (CĐS) trong Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình Chính phủ, Tổng cục GDNN đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 30% chương trình và nội dung đào tạo được đảm bảo có học liệu số và 30% trường cao đẳng, trung cấp có ứng dụng nền tảng tài nguyên giáo dục mở, nền tảng kho học liệu dùng chung trong hoạt động dạy và học. Xây dựng nền tảng OER cũng là một trong những mục tiêu trong dự án hỗ trợ của Tổ chức Hơp tác Quốc tế (GIZ) cho GDNN Việt Nam giai đoạn 2020-2024.

Để thực tế hóa mục tiêu, GIZ hỗ trợ Tổng cục GDNN triển khai thí điểm mô hình nền tảng OER, ở đây được hiểu là “nền tảng quản lý học liệu số” dùng chung cho cộng đồng 11 Trường CĐ đối tác của GIZ và 3 doanh nghiệp liên kết. Tổng cục GDNN là đơn vị sở hữu và quản lý, nền tảng sẽ được cài trên hệ thống server của Tổng cục. Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L được chọn là đơn vị xây dựng giải pháp nền tảng này.

Theo khảo sát sơ bộ trong cộng đồng 11 trường cao đẳng đối tác của GIZ, 10/11 trường đã có nền tảng quản lý học tập (LMS), 6/11 trường đã và đang triển khai, vận hành nền tảng quản trị số, 11/11 trường có phòng studio/e-learning để sản xuất học liệu số. Cùng với sự hỗ trợ của GIZ trong việc nâng cao năng lực sản xuất học liệu số cho đội ngũ giáo viên nòng cốt, 11 trường đối tác và 3 doanh nghiệp liên kết với điều kiện lý tưởng đã được lựa chọn tham gia dự án thí điểm nền tảng OER này.

Nền tảng OER được xây dựng theo mô hình phân tán. Do đó, Tổng cục GDNN là đơn vị quản lý chung, ban hành quy đinh và chính sách thúc đẩy. Việc quản trị và kiểm soát người dùng, nội dung học liệu của đơn vị nào sẽ thuộc về trách nhiệm của đơn vị đó. Mỗi đơn vị tham gia dự án sẽ có giao diện riêng quản trị học liệu số trên nền tảng OER, tự quyết định việc chia sẻ toàn văn, chia sẻ một phần, hoặc chưa chia sẻ học liệu do mình sản xuất. Việc chia sẻ thông tin mô tả chung (metadata) về tài liệu là bắt buộc.

Nền tảng OER được xây dựng trên công nghệ phần mềm mã nguồn mở cho phép tùy biến, tích hợp và mở rộng với các ứng dụng và nền tảng số khác như hệ thống quản lý học tập (LMS), nền tảng quản trị số tại các cơ sở GDNN, thư viện số… Người sử dụng sẽ truy cập và nhập thông tin một lần (one single sign-on, one single input). Trong định hướng phát triển, các đơn vị tham gia dự án hướng đến làm chủ công nghệ, có thể tự xây dựng thêm các ứng dụng phù hợp để tích hợp với nền tảng nhằm tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ dự án này, trước mắt chúng ta tập trung chủ yếu vào xây dựng giải pháp nền tảng công nghệ (platform). Việc xây dựng cơ chế và chính sách khuyến khích tham gia xây dựng học liệu số, cơ chế kiểm duyệt nội dung, cũng như các tính năng nâng cao về giải pháp công nghệ sẽ cần thời gian để thực hiện từng bước và xem xét ở giai đoạn sau của dự án.

Đây là dự án thí điểm, tạo và thử nghiệm cơ chế sandbox, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm và bài học thành công, nhằm tạo tiền đề phát triển cho nền tảng OER trong hệ thống GDNN Việt Nam trong tương lai.

Với sự hỗ trợ của GIZ trong dự án này, Tổng cục GDNN yêu cầu 11 trường đối tác và 3 doanh nghiệp đã được lựa chọn làm đơn vị tham gia thí điểm và thụ hưởng, cần tích cực hỗ trợ Tổng cục GDNN trong quá trình xây dựng nền tảng công nghệ cũng như có trách nhiệm đóng góp và chia sẻ học liệu, đề xuất chính sách, cơ chế khuyến khích và ghi nhận… để nền tảng OER được phát triển và khai thác hiệu quả.

Share on print
Share on email
Share on facebook