TVET Vietnam

Đào tạo nhân rộng “Lập trình PLC trên nền GRAFCET” cho các giảng viên nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp

Tiếp nối chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực cho các giảng viên thuộc các trường nhận chuyển giao Chương trình Đào tạo định hướng tiêu chuẩn Đức nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) tổ chức khóa đào tạo về về Lập trình PLC trên nền GRAFCET cho các giảng viên nòng cốt từ trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Cao đẳng Long An, Cao đẳng nghề An Giang, Cao đẳng Công nghiệp Huế và Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh từ ngày 18 đến 28 tháng 7 năm 2022 (10 ngày).

Tương tự như khoá đào tạo nhân rộng “Điều khiển và vận hành hệ thống Thủy lực” được tổ chức trước đây, mục tiêu của khóa đào tạo Lập trình PLC lần này cũng nhằm hoàn thiện các kiến thức cơ bản và nâng cao cho các giảng viên nòng cốt của các trường cũng như trang bị thêm những kỹ năng thực hành chuyên sâu liên quan đến lập trình PLC.

Khóa đào tạo được triển khai hướng dẫn dưới sự phối hợp của hai giảng viên nhân rộng của trường LILAMA 2 là thầy Lê Văn Hùng và thầy Kiều Tấn Thới. Xuyên suốt khoá đào tạo, các giảng viên nòng cốt thuộc các trường đối tác đã được chia sẻ kiến thức chuyên môn và hướng dẫn thực hành theo nội dung:

  – Phân tích hệ thống cơ điện tử sử dụng phương pháp Grafcet

  – Đọc bản vẽ điện, bản vẽ cơ khí

  – Lắp ráp, lập trình và vận hành hệ thống MPS như:

+ Trạm Cung cấp

+ Trạm Kiểm tra

+ Trạm Gia công

+ Trạm Tay gắp

+ Trạm Phân loại

Sau khóa học, các giảng viên đã có thể tự tin thực hiện các thao tác lắp ráp, lập trình và vận hành hệ thống cơ điện tử sử dụng PLC trên nền GRAFCET. Ông Đinh Trung Trọng – môt giảng viên đến từ trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ viết chương trình PLC trong chương trình chính OB, nay tôi có thể viết trong các chương trình con FB, FC và khi đó chương trình chính chỉ dùng giám sát, điều này rất hiệu quả trong quá trình lập trình hệ thống điều khiển lớn.”

Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

Share on print
Share on email
Share on facebook