TVET Vietnam

Cao đẳng Công nghiệp Huế phát triển tài liệu dạy và học nghề Cơ Điện tử

Từ năm 2021, các giảng viên nhân rộng của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) đã và đang nỗ lực thực hiện triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển giao nhân rộng chương trình đào tạo định hướng tiêu chuẩn Đức nghề Cơ điện tử cho 04 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong hệ thống. Trong năm 2023, các trường nhận chuyển giao có kế hoạch hoàn thiện tài liệu dạy và học đồng thời tổ chức kỳ thi đánh giá phần 1 (AP1) theo tiêu chuẩn Đức cho các học viên khóa đầu tiên dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của các giảng viên nhân rộng LILAMA 2.

Từ ngày 18 đến 20/04/2023, tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Huế IC), hai giảng viên nhân rộng của LILAMA 2 là thầy Kiều Tấn Thới và thầy Trần Hữu Phước đã đến và làm việc cùng các giảng viên Cơ điện tử trường Huế IC với mục tiêu: Giới thiệu cách thức biên soạn và phát triển tài liệu đào tạo theo phương pháp dạy thực hành và chia sẻ kinh nghiệm của LILAMA 2, đồng thời tư vấn hoàn thiện nội dung biên soạn tài liệu dạy và học cho Mô-đun (MĐ) 01, MĐ 02 và kế hoạch biên soạn tài liệu cho MĐ 10. Các nhóm giảng viên đã cùng nhau xây dựng được các tài liệu dạy và học theo 3 phương pháp khác nhau bao gồm: Dạy thực hành theo phương pháp 4 bước, dạy thực hành theo phương pháp 6 bước và xây dựng bài dạy lý thuyết cho phần thực hành.

Các giảng viên Huế IC về cơ bản đã biên soạn đầy đủ phần nội dung lý thuyết. Các giảng viên nhân rộng LILAMA 2 đã hướng dẫn và tư vấn cho nhà trường xây dựng phần nội dung thực hành phù hợp với trang thiết bị của nhà trường và đã hoàn thiện được khoảng 50%. Đến tháng 6/2023 toàn bộ phần tài liệu thực hành cho MĐ01 và MĐ02 sẽ được hoàn thành.

Hơn thế nữa, các giảng viên nhân rộng cũng có cơ hội tham quan cơ sở vật chất và tư vấn trường Huế IC trong hoạt động chuẩn bị cho kỳ thi AP1 bao gồm cả lý thuyết và thực hành.

Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

Share on print
Share on email
Share on facebook