TVET Vietnam

11 TRƯỜNG CAO ĐẲNG CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRONG TUYỂN SINH VÀ QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH GDNN

Với mong muốn tạo không gian chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tế trong công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược truyền thông và tuyển sinh” cho 25 cán bộ phụ trách truyền thông của 11 trường đối tác trên cả nước. Hoạt động diễn ra từ ngày 07/06 đến 09/06/2023 tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong ba ngày tập huấn, các cán bộ tham gia đã đi qua các kiến thức quan trọng về phân tích bối cảnh, xác định mục tiêu, xây dựng chân dung khách hàng, tạo thông điệp, lên kế hoạch tổ chức sự kiện và quy trình xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn. Họ đã áp dụng những nội dung này để thực hành xây dựng chiến lược cụ thể cho chính những ngành nghề và thương hiệu đào tạo của trường mình. “Các phần thực hành và thảo luận nhóm rất thiết thực, giúp chúng tôi có cơ hội đánh giá lại những điểm mạnh và hạn chế của những mùa tuyển sinh trước, lắng nghe góp ý cũng như những phương pháp hiệu quả của các trường khác để có thêm nhiều ý tưởng cho hoạt động truyền thông của trường trong các năm tới”, cô Nguyễn Vũ Bảo Chi, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chia sẻ.

Hàng năm, cứ vào mùa tuyển sinh, các trường cao đẳng lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với hệ thống đại học đang ngày càng nới lỏng cánh cửa đầu vào. Dù có những lợi thế về tính thực tiễn, thời lượng thực hành nhiều và tính gắn kết với doanh nghiệp cao, Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa trở thành lựa chọn hấp dẫn với người trẻ và gia đình của các em vì định kiến học nghề. Để thay đổi định kiến này, truyền thông cần đưa tới những câu chuyện và thông điệp giúp xã hội nhìn ra những cơ hội nghề nghiệp mà GDNN mang lại.   

“Công tác truyền thông không nên chỉ dừng lại ở mùa tuyển sinh, mà trường cần có ý thức xây dựng thương hiệu lâu dài và bền vững. Truyền thông cũng không nên chỉ là công việc của một vài nhân sự hay phòng ban chuyên trách, mà mỗi cán bộ trong trường đều cần trở thành một đại sứ truyền thông để tạo dấu ấn đẹp về trường của mình. Việc xây dựng chiến lược trong truyền thông giúp cho trường lập kế hoạch và phân công nguồn lực hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đánh giá “kiểm toán” công tác truyền thông là cũng là một trong những việc cần được quan tâm, nó giúp các đơn vị xác định rõ các mục tiêu truyền thông.”, thầy Nguyễn Đức Tài, Trưởng Ban Công tác Chuyển đổi số, Cao đẳng nghề An Giang cho biết.

Trong khuôn khổ hội thảo, các cán bộ tham gia còn có buổi thăm quan và lắng nghe chia sẻ của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, là một đơn vị có nhiều thực hành tốt trong việc áp dụng nhiều giải pháp số trong truyền thông thương hiệu. Hiện tại, Chương trình TVET đang hỗ trợ các trường đối tác ở cả hai mảng: Chuyển đổi số và Quảng bá hình ảnh, là một lợi thế dành cho các trường trong xu hướng truyền thông thời 4.0.

Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

Share on print
Share on email
Share on facebook